BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ 080.44498 A2F@BUSINESS.GOV.VN ĐĂNG NHẬP ĐĂNG KÝ FAQ
USAID SUPPORTS VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM ENTERPRISE POST COVID-19 BUSINESS RECOVERY
Trang chủ / Tin tức cập nhật

Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 đến doanh nghiệp Việt Nam

28/12/2022 12:00:00 AM Chính sách - tài chính

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (viết tắt là CMCN 4.0) đã đề ra yêu cầu: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”. Trên cơ sở yêu cầu nêu trên, việc nhận định những khó khăn, thách thức và cơ hội cho đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh CMCN 4.0 xét trên các tiêu chí về mức độ tăng trưởng và phát triển, năng lực chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo là rất quan trọng để xác định các giải pháp đột phá thúc đẩy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

 Về cơ hội

Với sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), theo dự báo, các quốc gia và doanh nghiệp có cơ hội để đảo ngược sự suy giảm năng suất cũng như rào cản về nguồn lực. Trên đà đó, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng.

Cuộc CMCN 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc CMCN 4.0 (trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn) dự kiến sẽ tạo ra những bước nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực, tạo ra nhiều cơ hội cho các DN nhưng cũng mang lại nhiều thách thức cho DN khi phải thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, sử dụng nguồn lực để thích nghi. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, cuộc CMCN 4.0 sẽ biến đổi nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh, làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trong các ngành sản xuất.

Giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục chứng kiến sự thay đổi của nhiều phương thức, mô hình kinh doanh. Với sự hình thành và phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ ở cuối giai đoạn trước (2019-2020), kinh tế chia sẻ đã và đang giúp tối ưu hóa nguồn lực thông qua việc dùng chung hàng hóa và dịch vụ dư thừa năng suất. Đây chính là những yếu tố khiến mô hình nền kinh tế chia sẻ có những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, không chỉ là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ và chưa được khai thác tối đa. Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ đều mới chỉ đang ở trong bước ngoặt đầu tiên của cả chặng đường dài, trong khi năng lực công nghệ và động lực của người tiêu dùng dịch vụ này vẫn còn đang trong quá trình lớn mạnh. Việt Nam sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới.

Với những nhận định nêu trên, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ đứng trước một số cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 sau đây:

Thứ nhất, CMCN 4.0 mở ra một thị trường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng mang tính toàn cầu đối với các doanh nhân, chủ doanh nghiệp Việt Nam nếu nắm bắt, tận dụng được các cơ hội từ CMCN 4.0. CMCN 4.0 tạo cơ hội để doanh nhân, chủ doanh nghiệp cơ cấu lại doanh nghiệp; đầu tư ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường sản xuất và kinh doanh. Đây là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp tận dụng đi tắt đón đầu, ứng dụng và phát triển phương thức sản xuất thông minh, hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này đòi hỏi đội ngũ lao động trong doanh nghiệp cần phải nâng cao trình độ, trong đó đội ngũ doanh nhân cần không ngừng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, tiềm lực tài chính cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Thứ hai, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có cơ hội tiếp thu những tiến bộ trong quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cơ hội liên kết trong nước, quốc tế nhằm mở rộng khả năng sản xuất, cung ứng, tiêu thụ dịch vụ, hàng hóa… hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp mạnh xuyên quốc gia.

Thứ ba, CMCN 4.0 thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, tiềm lực; tạo ra nấc thang giá trị ngày càng cao. Với đội ngũ doanh nhân, CMCN 4.0 có thể giúp tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp của họ thông qua tự động hóa các quy trình riêng lẻ, kết nối các bước khác nhau trong quy trình sản xuất và đăng ký dữ liệu doanh nghiệp, cung cấp cho các cấp quản lý nhiều khả năng để phân tích và tối ưu hóa toàn bộ quy trình. Công nghiệp 4.0 với các hoạt động mới như Big Data và IoT, cũng làm tăng giá trị của các dịch vụ sau bán hàng và kiến thức chuyên sâu. Điều này giúp cải thiện sự tích hợp dữ liệu lớn hơn giữa các công ty và có thể làm giảm nhu cầu trung gian. Việc phối hợp các luồng thông tin về sản phẩm mang lại lợi ích về hiệu quả sản xuất quốc tế, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân chia lao động quốc tế trong các nhà máy toàn cầu.

CMCN 4.0 giúp đội ngũ doanh nhân nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng chất lượng cao. CMCN 4.0 với công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp tăng hiệu quả, giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, đặc biệt là các nước đang phát triển. Cơ sở hạ tầng là một ưu tiên chính trị và kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và dân số tăng trưởng nhanh dẫn đến quá trình đô thị hóa đáng kể, nhu cầu về CSHT mới được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới. Trong khi đó, ngân sách hạn hẹp và khả năng thu hồi vốn chậm đang hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi trên thế giới. Việc áp dụng và lồng ghép các công nghệ kỹ thuật số và công nghệ mới khác, như những tiến bộ của robot và trí tuệ nhân tạo, sẽ là một công cụ thay đổi cuộc chơi, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa chậm của ngành CSHT. Robot có thể làm việc theo nhóm để xây dựng các cấu trúc phức tạp bằng vật liệu mới năng động. Mô hình thông tin xây dựng (BIM) dưới dạng kỹ thuật số 3D của các dự án được phủ lên bởi các chi tiết 4D về lập lịch và chi phí, cùng với công nghệ thực tế ảo và tăng cường cho phép tương tác liền mạch giữa các văn phòng và trang web. Máy bay không người lái cho phép các đội theo dõi tiến trình một cách an toàn, hiệu quả hơn với độ chính xác cao hơn, thu thập dữ liệu thường xuyên hơn so với các nhà khảo sát con người. Công nghệ viễn thông giúp theo dõi các phương tiện được sử dụng, đảm bảo tính tiết kiệm, an toàn và bền vững.

Về khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản, toàn diện mô hình, cách thức quản lý xã hội từ quản lý phát triển quốc gia đến quản trị doanh nghiệp. Ở góc độ doanh nghiệp quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh sẽ dựa trên nền tảng số, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…cùng với đó là xu hướng hội nhập sâu rộng, cạnh tranh gay gắt về hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp quốc tế. Đây thực sự là thách thức đối với đội ngũ doanh nghiệp nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng trong bối cảnh mới.

Thứ hai, tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ, phương thức, cách thức quản trị doanh nghiệp trong môi trường hội nhập, cạnh tranh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực và quốc tế. Theo thống kê, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, số doanh nghiệp có tiềm lực lớn còn khiêm tốn; trình độ KHCN của các doanh nghiệp còn hạn chế[1], trong khi chi phí đầu tư cho phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ thường đòi hỏi nguồn lực lớn, suất đầu tư cao, không nhiều doanh nhân (chủ doanh nghiệp) có thể thực hiện được.

Thứ ba, năng lực hiểu biết, khả năng tuân thủ pháp luật kinh doanh quốc tế của đội ngũ doanh nhân, chủ doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là 2 hiệp định thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, mức độ cam kết mở cửa mạnh. Tham gia vào sân chơi lớn có các FTA thế hệ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nhân Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết và đối diện với các tranh chấp thương mại. Nhất là thực hiện nghiêm quy định về xuất sứ hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường… Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 154 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ (chiếm tỷ lệ 19%); Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ (chiếm 14%); Ấn Độ 20 vụ (chiếm 13%) và EU với 14 vụ (chiếm 9%). Trong đó, các vụ việc điều tra chống bán phá giá có tỷ lệ cao nhất với 87 vụ (chiếm 56%); các vụ việc tự vệ với 33 vụ (chiếm 21%); chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ (chiếm 13%) và chống trợ cấp với 15 vụ (chiếm 10%).

Thứ tư, về năng lực tăng trưởng và phát triển của doanh nhân Việc Nam còn hạn chế. Trong giai đoạn 2011-2020, đội ngũ doanh nhân Việt nam tăng nhanh về số lượng, tinh thần kinh doanh ngày càng cao, vai trò của doanh nghiệp khu vực tư nhân trong hệ thống doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng nhẹ trong giai đoạn 2011-2020, tuy vậy, thấp hơn rõ rệt so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Cơ cấu tổng thể của doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thay đổi không đáng kể, hầu hết vẫn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc thiếu lợi thế kinh tế quy mô làm tăng chi phí đơn vị để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là chi phí đầu tư phát triển công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chi phí thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường, chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh… Tỷ trọng doanh nghiệp vừa và lớn còn thấp dẫn tới doanh nghiệp khu vực tư nhân chưa trở thành lực lượng chính để trở thành kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế.

Nhiều hạn chế mang tính bản chất chưa được khắc phục (phát triển tự phát, thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật, trình độ quản lý, quản trị và năng lực tài chính yếu, thị trường nhỏ hẹp, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu khả năng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh trong khi cơ hội tiếp cận với các nguồn lực còn thấp) là nguyên nhân của tình trạng phần lớn doanh nghiệp khu vực tư nhân gặp khó khăn khi đối mặt với các biến động kinh tế - xã hội và các cú sốc từ bên ngoài. Thực tế tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, đa số doanh nghiệp khu vực tư nhân đều gặp khó khăn, tỷ trọng ngừng kinh doanh, giải thể rất lớn. Ngoài ra khả năng sử dụng ngoại ngữ của doanh nhân Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù chưa có số liệu điều tra đầy đủ về khả năng sử dụng ngoại ngữ của doanh nhân, song có thể nhận thấy một điểm yếu chung về nhân lực Việt Nam đó là khả năng ngoại ngữ của nhân lực nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đó thực sự là thách thức không nhỏ đối với doanh nhân trong quá trình hội nhập.

Thứ năm, thách thức về năng lực chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Trong giai đoạn 2011 -2020, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ đã được ban hành, triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao do nhà nước hỗ trợ đã tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp, nâng cao ý thức về vai trò của khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng cao. Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2021 của WIPO, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu nhóm nước thu nhập trung bình thấp năm thứ 11 liên tiếp trong đổi mới sáng tạo so với mức độ phát triển kinh tế quốc gia.

Năng lực chuyển đổi số từng bước nâng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính, quan hệ khách hàng, thị trường và quản trị nội bộ có xu hướng tăng.

Mặc dù vậy, nhìn chung năng lực và trình độ công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số của phần lớn doanh nghiệp còn thấp so với yêu cầu phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0. Theo Báo cáo Đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất trong tương lai (Readiness for the Future of Production Assessment) của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam xếp thứ 90/100 quốc gia về năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năng lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao trình độ công nghệ của phần lớn doanh nghiệp còn thấp trong khi cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới bị hạn chế.Theo khảo sát của World Bank (2021), việc áp dụng các công nghệ điển hình của CMCN 4.0 vẫn còn rất sơ khai ở Việt Nam, chỉ có 6,9% doanh nghiệp được khảo sát sử dụng điện toán đám mây cho các hoạt động kinh doanh, 1,5% doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho mục đích tiếp thị. Tỷ lệ áp dụng công nghệ 4.0 khá thấp ở các ngành, cụ thể như: Trong công nghiệp chế biến, chế tạo, để chế tạo, chỉ có 9% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, máy in 3D. Trong lĩnh vực bán lẻ, chỉ 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động để quản lý hàng tồn kho. Trong nông nghiệp, để làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh, gần 1/3 số doanh nghiệp dựa vào kỹ thuật thủ công, việc ứng dụng các kỹ thuật nông nghiệp chính xác tự động hầu như chưa có. Nhiều nghiên cứu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế cũng cho thấy, mức độ áp dụng công nghệ CMCN 4.0 của doanh nghiệp Việt Nam  thấp hơn các quốc gia khu vực. Mặc dù ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh, nhưng hầu hết doanh nghiệp chưa tận dụng được những thành quả công nghệ này để tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới. Khả năng hấp thụ công nghệ còn thấp và chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa tương xứng.Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở mức cao, nhưng Việt Nam lai nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu là một nguyên nhân khiến Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho CMCN 4.0. Theo đánh giá của WEF (2018), hầu hết các chỉ tiêu về nguồn nhân lực của Việt Nam đều đang ở mức thứ hạng thấp (xếp hạng 70/100 về chỉ số nguồn nhân lực, 81/100 về chỉ số lao động có chuyên môn cao, 80/100 về chất lượng đào tạo nghề).



[1] Theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2018, trong 10.994 DN sản xuất: có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến (8%); có 5.501 doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, trung bình tiến tiến (50%); có 4.614 doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).

 

 

Nguồn: https://business.gov.vn/cms/tin-tuc-su-kien/chi-tiet/1332/co-hoi-va-thach-thuc-cua-cach-mang-cong-nghiep-40-den-doanh-nghiep-viet-nam

Từ khóa: Admin

Bình luận

Bài viết phổ biến

12/18/2021 4:19:10 PM

Quay lại Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan”

Chương trình Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan”.

12/31/2021 1:54:50 PM

Hội thảo “Xúc tiến Thương mại và đầu tư với Thị trường New Zealand - Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - NewZealand”

New Zealand hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...

12/4/2021 4:51:05 PM

Hội thảo “Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm trong bối cảnh mới”

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước sau dịch Covid-19. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức chương trình “Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021”

12/4/2021 5:04:09 PM

Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Phòng trưng bày hàng mẫu đặt tại Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia

Chương trình dành riêng cho Quý doanh nghiệp mong muốn tiếp cận và mở rộng thị trường tại Malaysia. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia tổ chức.

Image

ĐĂNG KÝ NHẬN HỖ TRỢ

Kết nối với chúng tôi