BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ 080.44498 A2F@BUSINESS.GOV.VN ĐĂNG NHẬP ĐĂNG KÝ FAQ
USAID SUPPORTS VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM ENTERPRISE POST COVID-19 BUSINESS RECOVERY
Trang chủ / Tin tức cập nhật

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến và dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP

16/12/2022 12:00:00 AM Doanh nghiệp - tài chính

Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đã bộc lộ một số nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Tại Thông báo số 295/TB-VPCP ngày 23/9/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, hạn chế của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP; đồng thời, đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả thực thi.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng một số nội dung chính của Nghị định. Sau khi tham vấn ý kiến của các Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Dự thảo Tờ trình và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP gửi các Bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước để xin ý kiến. Dự thảo Nghị định bao gồm một số nội dung chính như sau:

- Về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập

Theo quy định tại khoản 11 Điều 11 và khoản 5 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tràn lan, không hiệu quả, không kiểm soát, đồng thời thực hiện mục tiêu nâng cao cơ chế kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, để đảm bảo mục tiêu thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về đổi mới, sắp xếp, phát triển DNNN; quản lý, sử dụng vốn nhà nước nhằm tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đáp ứng mục tiêu giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; nâng cao trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DNNN.

Trong quá trình hoạt động, một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty (như PVN, VNPT, EVN…) có nhu cầu thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện để thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 10/2019/NĐ-CP, các Tập đoàn, Tổng công ty phải báo cáo xin chủ trương chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Quy trình này tốn nhiều thời gian, không tạo được tính chủ động cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí về nguồn lực (có trường hợp việc thành lập kéo dài gần 02 năm). Do đó, để trao quyền và tạo tính chủ động thực sự cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các Tập đoàn, Tổng công ty quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp nên được phân cấp triệt để nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật số 69/2014/QH13 không quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với nội dung này, do vậy dự thảo Nghị định quy định sửa đổi khoản 11 Điều 11 và khoản 5 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng: giao cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm cả doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Trường hợp chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp được quy định tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định theo thẩm quyền.

- Đối với việc thành lập mới công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của Công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty mẹ quyết định việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tại Đề án cơ cấu lại công ty mẹ. Trường hợp chưa được quy định tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp thì phải trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Đề án.

Tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Hội đồng thành viên công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập theo quy định của Luật số 69/2019/QH13: “Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập mới công ty con 100% vốn của doanh nghiệp. Quyết định thành lập công ty con 100% vốn sau khđược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương”.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[1], để đảm bảo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, dự thảo Nghị định quy định sửa đổi khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP.

- Về việc quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đầu tư bổ sung vốn vào công ty con, công ty liên kết

          Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42 Luật số 69/2014/QH13, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quyết định chủ trương tiếp nhận công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty con, công ty liên kết của doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, việc đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết được chia làm 02 trường hợp:

+ Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết; quyết định đầu tư sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định chủ trương đầu tư.

+ Trường hợp việc đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết thuộc thm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy đnh ca pháp luật, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết; cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định hai lần: lần thứ nhất là chủ trương đầu tư bổ sung vốn của Công ty mẹ vào công ty con, công ty liên kết (theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước), lần thứ hai là sau khi doanh nghiệp được đầu tư bổ sung vốn, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (theo quy định của pháp luật về đầu tư) khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thực tế cho thấy quy trình này thường gây mất nhiều thời gian, không tạo được tính chủ động cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí về nguồn lực, tuột mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật số 69/2014/QH13 không quy định Thủ tướng Chính phủ phải xem xét, quyết định việc đầu tư, bổ sung vốn của Công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết, thẩm quyền phê duyệt vấn đề này thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trên cơ sở đó, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định sửa đổi khoản 8 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng giao cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương. Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.

- Về thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên đối với các lĩnh vực chưa được phân nhóm trong Luật Đầu tư công

Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Luật số 69/2014/QH13, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư công không quy định phân nhóm dự án (A, B, C) đối với lĩnh vực đầu tư tài chính, các lĩnh vực kinh doanh đơn thuần vì mục tiêu kinh doanh không mang tính chất đầu tư công. Do vậy, các DNNN có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) không có căn cứ xác định nhóm dự án, thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên và cơ quan đại diện chủ sở hữu khi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tài chính như: mua trái phiếu ngân hàng, doanh nghiệp; đầu tư trên sàn chứng khoán mặc dù dự án có tổng mức đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng (do chưa được quy định tại các nhóm ngành theo Luật Đầu tư công).

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật số 69/2014/QH13, để xử lý các vướng mắc nêu trên, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP như sau:

“d) Dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị trên mức quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trường hợp doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 2.300 tỷ đồng”.

- Về quy định ưu tiên pháp luật chuyên ngành

Rà soát các quy định hiện hành cho thấy, vẫn còn các quy định chưa thống nhất về thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13.

Cụ thể, về thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ doanh nghiệp, tại khoản 2 Điều 40 Luật số 69/2014/QH13 quy định về thẩm quyền của Chính phủ: “Ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập”.

Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 10/2019/NĐ quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu bao gồm: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành điều lệ và điều lệ sửa đổi, bổ sung của doanh nghiệp theo đề nghị của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ”.

Tại điểm a khoản 1 Điều 76 Luật Doanh nghiệp quy định về quyền của chủ sở hữu: “Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty”.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 67 Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Quyết định nội dung Điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng”.

Do vậy, dự thảo Nghị định đề xuất quy định tại dự thảo Nghị định nội dung trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định tại dự thảo Nghị định và văn bản pháp luật chuyên ngành thì ưu tiên thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

-  Về việc vận dụng các quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP đối với các doanh nghiệp thuộc tổ chức chính trị, xã hội

Trong thời gian vừa qua, một số các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hướng dẫn và cho phép các cơ quan này được vận dụng các quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP trong việc quản lý và thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp trực thuộc quản lý. Để có cơ sở cho các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội vận dụng thực hiện trong quá thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu (là các tổ chức chính trị, xã hội) tại doanh nghiệp do các tổ chức này quyết định thành lập, khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định đối với nội dung này.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Trang thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

 



[1] Cụ thể: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

 

Nguồn: https://business.gov.vn/cms/tin-tuc-su-kien/chi-tiet/1352/bo-ke-hoach-va-dau-tu-xin-y-kien-du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-102019nd-cp

Từ khóa: Admin

Bình luận

Bài viết phổ biến

12/18/2021 4:19:10 PM

Quay lại Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan”

Chương trình Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan”.

12/31/2021 1:54:50 PM

Hội thảo “Xúc tiến Thương mại và đầu tư với Thị trường New Zealand - Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - NewZealand”

New Zealand hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...

12/4/2021 4:51:05 PM

Hội thảo “Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm trong bối cảnh mới”

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước sau dịch Covid-19. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức chương trình “Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021”

12/4/2021 5:04:09 PM

Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Phòng trưng bày hàng mẫu đặt tại Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia

Chương trình dành riêng cho Quý doanh nghiệp mong muốn tiếp cận và mở rộng thị trường tại Malaysia. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia tổ chức.

Image

ĐĂNG KÝ NHẬN HỖ TRỢ

Kết nối với chúng tôi