BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ 080.44498 A2F@BUSINESS.GOV.VN ĐĂNG NHẬP ĐĂNG KÝ FAQ
USAID SUPPORTS VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM ENTERPRISE POST COVID-19 BUSINESS RECOVERY
Trang chủ / Tin tức cập nhật

Những chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững tại Việt Nam

03/02/2021 05:46:00 AM Doanh nghiệp - tài chính

Để thúc đẩy phát triển bền vững, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, bảo vệ môi trường. Bài viết dưới đây sẽ phân tích các thực trạng của những chính sách, chương trình hỗ trợ đó cùng một số tồn tại, khó khăn khi thực hiện tại Việt Nam.

1. Thực trạng chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững 

 

Các chính sách hỗ trợ từ nguồn NSNN cho tăng trưởng xanh để bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, ngày 20/3/2014, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/10/2015, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường) với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) và tỷ lệ này được điều chỉnh tăng dần theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. 

Phát triển tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư vào các dự án môi trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. 

Tiếp cận tín dụng từ Quỹ bảo vệ môi trường

Theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, chủ đầu tư các dự án thuộc Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi hỗ trợ sẽ được hưởng các ưu đãi về huy động vốn đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các Quỹ bảo vệ môi trường địa phương. Hiện nay, Việt Nam đã hình thành được hệ thống các quỹ bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương với 01 Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) và 44 Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương với tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, trong tổng vốn đã sử dụng của Quỹ, hoạt động cho vay chiếm 76%, tài trợ chiếm 4%, hỗ trợ giá điện gió 10%, trợ giá sản phẩm dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), không có hoạt động hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Cụ thể, Quỹ đã tài trợ 183 Dự án trên 32 tỉnh, thành phố với số tiền trên 91 tỷ đồng; cho vay 294 Dự án trên 54 tỉnh, thành phố với số tiền trên 2.522 tỷ đồng.

Phát triển sản phẩm tài chính xanh

Để huy động vốn cho các dự án kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (dự án xanh), thị trường vốn xanh và sản phẩm tài chính xanh cũng đã được phát triển trong thời gian vừa qua, cụ thể là :

 Phát triển sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp xanh: Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó quy định TPDN xanh được phát hành để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định đầy đủ các nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế. 

Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam do quy mô thị trường chứng khoán còn hạn chế, thị trường trái phiếu tuy đã có bước phát triển trong thời gian qua nhưng quy mô còn nhỏ, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp; các tổ chức định mức tín nhiệm chưa phát triển. Vì vậy, công cụ tài chính xanh cũng chưa thực sự phát triển ở Việt Nam.

Chính sách ưu đãi về thuế, phí, đất đai cho các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường

Theo Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: Sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng.

Ngoài ra, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 cũng đã có các quy định miễn thuế với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường (Điều 16) và xác định rõ nguyên tắc định hướng xây dựng biểu thuế suất trong đó dành ưu đãi đặc biệt với hàng hóa liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường (Điều 10).

Về lệ phí trước bạ, Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ quy định miễn lệ phí trước bạ.

Chính sách về hỗ trợ kinh doanh bao trùm

Nhìn chung tại Việt Nam hiện nay, chưa có chính sách hay Chương trình, hoạt động hỗ trợ phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, mà có sự giao thoa ở một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp sử dụng nhiều người khuyết tật, v.v... vì đa phần người nghèo, người lao động tại các doanh nghiệp xã hội là người yếu thế, người có thu nhập thấp.Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện mới đưa ra các quy định để phân biệt và ghi nhận loại hình doanh nghiệp xã hội, quy định cơ chế để các doanh nghiệp xã hội nhận viện trợ, tài trợ.

Tuy nhiên, theo Báo cáo nghiên cứu Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nhìn chung, các cơ sở sản xuất kinh doanh còn khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi khi sử dụng lao động là người khuyết tật, chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi.

Nhìn chung, các mô hình kinh doanh bao trùm hiện nay chưa có chính sách, hoạt động hỗ trợ chính thức từ nhà nước.

 

Một số Chương trình, Dự án liên quan

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững 

 

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020.

Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm được sản xuất trong nước.

Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” (Chiến lược SXSH) được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009.

Chiến lược đã xác định mục tiêu “Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững”. Sau hơn 10 năm thực hiện, Chiến lược SXSH đã được triển khai trên khắp cả nước, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Chiến lược SXSH.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó các khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí từ Trung ương cũng như địa phương còn rất hạn hẹp; nhân sự chuyên trách triển khai thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn thực sự chưa đáp ứng tốt được yêu cầu về trình độ, năng lực và phương tiện làm việc và biến động khá nhiều. 

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019.

Hội thảo Tổng kết Dự án " Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện"

 

Dự án được thực hiện thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); KCN Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ). Mục tiêu của Dự án là giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN tận dụng tối đa đầu vào nguyên liệu thô, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sử dụng tiết kiệm nước, đảm bảo an toàn về sử dụng hóa chất và quản lý nước thải thông qua hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về chuyển giao công nghệ mới nhất và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn.

Các hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn trong Khu Công nghiệp sinh thái như: quản lý nước, quản lý chất thải; sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ bền vững, tạo ra các chuỗi cung ứng bền vững, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới quá trình sản xuất (mô hình Rs). 

Kết quả là, sau 5 năm triển khai dự án, đã có 3 KCN sinh thái được áp dụng với 402 giải pháp tại 72 doanh nghiệp. Các giải pháp này đã đem lại các lợi ích kỹ thuật và lợi ích môi trường rõ rệt cho 72 doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, lũy kế tác động của dự án sau 5 năm thực hiện như tiết kiệm 8.814 tấn nguyên vật liệu/năm; tiết kiệm điện 37.546.636 kWh/năm; tiết kiệm nhiên liệu than 15.323 tấn than/năm; giảm tiêu thụ nước 856.208 m3 nước/năm; giảm tiêu thụ hóa chất 31,8 tấn/năm; giảm chất thải rắn 9.339 tấn/năm; giảm thải CO2 61.127 tấn/năm;...

Chương trình “Vay vốn không lãi suất - Trả vốn từ thiện cho cộng đồng” dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tổ chức Thriive Hà Nội

Thriive Hà Nội là chương trình được tài trợ bởi Tổ chức Thriive Hoa Kỳ, triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực. Thriive hỗ trợ doanh nghiệp có yếu tố người khuyết tật (có chủ doanh nghiệp là người khuyết tật hoặc có phần lớn lao động trong doanh nghiệp là người khuyết tật) vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất với số vốn tối đa là 6000$ (tương đương khoảng 120 triệu VND), để mua trang thiết bị, máy móc phát triển doanh nghiệp. 

Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005, đến nay dự án Dự án Thriive đã cho 150 doanh nghiệp vay vốn, mỗi doanh nghiệp vay vốn từ 50 triệu đồng đến 120 triệu đồng không tính lãi suất, giúp được hơn 122.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Ngoài một số chương trình tiêu biểu trên, Đề án liệt kê danh sách một số chính sách, chương trình hiện nay liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam tại Phụ lục 1 đính kèm.

2. Một số tồn tại, khó khăn khi phát triển mô hình kinh doanh bền vững

Việc xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững là rất cần thiết, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới trách nhiệm xã hội, chủ động trong hoạt động sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã từng bước ý thức được xu thế này và dần dần đã có những bước chuyển biến cơ bản. Tuy nhiên, quá trình triển khai của các doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại do thiếu vốn, thiếu thông tin, cơ chế và năng lực quản trị thấp…

Nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược cần thiết

Đối với tất cả các loại hình kinh doanh, từ các công ty sản xuất công nghiệp truyền thống đến các nhà cung cấp dịch vụ, việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đều gây ra chất thải năng lượng hay chất thải vật liệu. Mặc dù việc quản lý chất thải một cách hiệu quả có thể giúp phát sinh lợi nhuận nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong cách xử lý chất thải. Trong hầu hết các trường hợp, giai đoạn cuối trong vòng đời sản phẩm cần được xử lý khá phức tạp và tiêu tốn rất nhiều chi phí cho hầu hết các công ty. Do đó, mặc dù các chất thải hoặc các sản phẩm phụ đi kèm vẫn còn giá trị sử dụng nhưng do việc tái chế tốn nhiều chi phí nên doanh nghiệp vẫn thải loại chúng mà không xem xét tác động của họ đối với môi trường hay xã hội.

Thiếu vốn đầu tư

Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân là nguồn vốn hạn chế và khả năng tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính còn nhiều trở ngại. Sự thay thế các nguồn lực bằng năng lượng tái tạo và việc tích hợp các quá trình tự nhiên vào mô hình kinh doanh là các quy trình không thể đạt được trong một khoảng thời gian ngắn và đòi hỏi vốn đầu tư nhiều. Giống như tất cả các khoản đầu tư có kỳ hạn dài, lợi nhuận trên các khoản đầu tư này không phải lúc nào cũng hiển thị ngay lập tức, vì chúng bao gồm các thay đổi trong toàn bộ hệ sinh thái. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân ít có khả năng theo đuổi được các mục tiêu chiến lược mang tính dài hạn như thế này. 

Thiếu thông tin kết nối, công cụ đo lường, công nhận và chưa có hệ sinh thái kinh doanh bền vững 

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, các bên liên quan như khách hàng hoặc nhà đầu tư, đối tác kinh doanh đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác. Việc thiếu vắng cơ sở dữ liệu một phần là do chưa nhiều các công cụ, tổ chức tiến hành đo lường sự tác động tới môi trường, xã hội của doanh nghiệp. Việc thiếu vắng các cơ chế, tổ chức uy tín công nhận cũng khiến các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh bền vững chưa lan tỏa được rộng rãi trong cộng đồng.

Chính sách và hiệu quả hỗ trợ còn hạn chế

Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường như phân tích ở trên. Tuy nhiên, những chính sách, chương trình còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn lực cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn ngân sách tập trung vào chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ môi trường trong thời gian qua rất hạn chế, chưa có nhiều các hỗ trợ kỹ thuật, trực tiếp tới từng doanh nghiệp. Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ còn ít, chưa đủ với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp; chưa tạo ra được hệ sinh thái, cộng đồng cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, trong khi để phát triển bền vững thì cần rất nhiều các bên liên quan tham gia. 

 

Nguồn: https://business.gov.vn/cms/tin-tuc-su-kien/chi-tiet/167/nhung-chinh-sach-chuong-trinh-ho-tro-doanh-nghiep-kinh-doanh-ben-vung-tai-viet-nam

Từ khóa: Admin

Bình luận

Bài viết phổ biến

12/18/2021 4:19:10 PM

Quay lại Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan”

Chương trình Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan”.

12/31/2021 1:54:50 PM

Hội thảo “Xúc tiến Thương mại và đầu tư với Thị trường New Zealand - Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - NewZealand”

New Zealand hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam cho các mặt hàng như nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều, máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng...

12/4/2021 4:51:05 PM

Hội thảo “Những xu hướng chính thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm trong bối cảnh mới”

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước sau dịch Covid-19. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức chương trình “Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm năm 2021”

12/4/2021 5:04:09 PM

Chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Phòng trưng bày hàng mẫu đặt tại Văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia

Chương trình dành riêng cho Quý doanh nghiệp mong muốn tiếp cận và mở rộng thị trường tại Malaysia. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Malaysia tổ chức.

Image

ĐĂNG KÝ NHẬN HỖ TRỢ

Kết nối với chúng tôi